Khoa Công nghệ thông tin đồng hành cùng chuyển đổi số
KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
ĐỒNG HÀNH CÙNG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Nguyễn Huy Thịnh
Phó trưởng Khoa CNTT
Tóm tắt: Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.Ngày 31/7/2020, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 1004/QĐ-BXD vềviệc phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Khoa Công nghệ thông tin, Đại học kiến trúc Hà nội tích cực thực hiện kế hoạch chuyển đổi số.
Có nhiều định nghĩa khác nhau về chuyển đổi số (Digital transformation) nhưng có thể nói chung đó là chuyển các hoạt động của chúng ta từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường mạng. Sự tham gia ngày càng sâu rộng của công nghệ (chủ yếu là CNTT) vào mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội đang làm thay đổi căn bản và toàn diện cách chúng ta sống, làm việc, liên hệ với nhau.
Theo đó, mọi người tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, diễn ra rất nhanh đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay.
Trên thế giới nhiều quốc gia đã và đang triển khai các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Nội dung chuyển đổi số rất rộng và đa dạng nhưng có chung một số nội dung chính gồm chính phủ số (như dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở), kinh tế số (như tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (như giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm (như nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông). Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Việt Nam nói chung và ngành giáo dục đào tạo (GDĐT) nói riêng cũng không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới và phải thực hiện rất khẩn trương nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội mà cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Bài viết tập trung vào kế hoạch của Khoa CNTT, Đại học Kiến trúc Hà nội trong kế hoạch chuyển đổi số của Bộ GDĐT và Bộ Xây dựng.
1.Nội dung cơ bản của chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
Ngày 9/12, tại Hà Nội, Bộ GDĐT tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội thảo.
Tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo tổ chức UNICEF Việt Nam, UNESCO tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng thế giới; lãnh đạo một số đại học/trường đại học đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, đại diện một số Sở GDĐT. Lãnh đạo các tập đoàn công nghệ Viettel, VNPT, FPT, AIC, MISA; Microsoft Việt Nam và các chuyên gia có uy tín cũng đến dự Hội thảo.

1.1. Thực hiện mục tiêu đào tạo công dân toàn cầu
Phát biểu mở đầu Hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.
“Ngành Giáo dục rất quan tâm tới việc đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành công dân toàn cầu. Chính vì vậy, chuyển đổi số được ngành xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhâp quốc tế”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
“Mục tiêu của ngành Giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”. Từ đó, góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới.
“CMCN 4.0 đi liền với việc phá huỷ các mô hình cũ nhưng là sự phá huỷ mang tính sáng tạo. Cuộc cách mạng này tạo ra cơ hội cho các nước đi sau, các nước nghèo, các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, người lãnh đạo phải có quyết tâm chiến lược”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
“Chúng ta hãy cùng suy nghĩ thấu đáo và chọn cho mình một niềm tin đúng, đi đến tận cùng, để xây dựng nên các đại học xuất sắc thông qua chuyển đổi số. Đại học xuất sắc, giáo dục và đào tạo xuất sắc là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên và hùng cường thịnh vượng. Bộ TTTT cam kết đồng hành cùng Bộ GDĐT trên hành trình đầy thách thức và vinh quang này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
1.2. Vấn đề cơ bản để thúc đẩy chuyển đổi số trong GDĐT
Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong GDĐT giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơncho biết, Bộ GDĐT sẽ chú trọng triển khai ở 4 vấn đề cơ bản:
- Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GDĐT;
- Phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số;
- Xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông;
- Phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
2.Nội dung cơ bản của chuyển đổi số trong ngành Xây dựng

Ngày 31/7/2020, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 1004/QĐ-BXD về việc phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.
2.1. Các quan điểm chỉ đạo:
- Chuyển đổi số ngành Xây dựng là nội dung rất quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công của Bộ Xây dựng;
- Trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành xây dựng, phải nghiên cứu, xem xét lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số;
- Chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể, có lộ trình phù hợp, tiến tới toàn diện và đồng bộ trong mọi lĩnh vực của ngành Xây dựng; xác định phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước là trung tâm của chuyển đổi số;
- Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số; thực hiện các giải pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
2.2. Các mục tiêu tổng quát:
- Hoàn thiện thể chế để phục chuyển đổi số của ngành Xây dựng;
- Vận hành và cập nhật Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng;
- Hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu số: văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn; định mức và giá xây dựng; nhà ở, thị trường bất động sản; khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; quy hoạch xây dựng; nâng cấp đô thị; thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng; nghiệm thu các công trình đưa vào sử dụng; thanh tra, kiểm tra; hồ sơ cán bộ, viên chức ngành Xây dựng; chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của tổ chức và cá nhân; phòng thí nghiệm chuyên ngành Xây dựng; đề tài, dự án sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học công nghệ và môi trường;
- Phối hợp với cơ quan quản lý xây dựng địa phương để xây dựng CSDL phục vụ chuyển đổi số cho một số lĩnh vực ưu tiên;
- Lựa chọn một số đối tượng cụ thể trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành Xây dựng để ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ cho việc chuyển đổi số:
- Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý GIS trong công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng;
- Ứng dụng Mô hình thông tin công trình BIM trong các hoạt động đầu tư xây dựng công trình;
- Ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý vận hành đô thị thông minh, doanh nghiệp số.
6.Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng làm chủ công nghệ số. - Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Sinh viên các trường đào tạo trực thuộc Bộ Xây dựng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của ngành Xây dựng.
3. Khoa CNNT- Đại học Kiến trúc Hà nội đồng hành với kế hoạch chuyển đổi số trong địnhhướng đào tạo, thực hiện các bước đi cụ thể:
3.1.Đẩy mạnh số hoá tài liệu và các bài giảng và công tác giảng dạy, môi trường học tập số trong toàn khoa
3.2.Xây dựng cơ sở học liệu số hoá; mở dùng chung trong toàn khoa
3.3. Xây dựng các kế hoạch bổ xung cơ sở vật chất trình nhà trường phục vụ kế hoạch chuyển đổi số chung của nhà trường và Khoa CNTT.
3.4.Từng bước đẩy mạnh quy trình học, thi và kiểm tra trực tuyến cho hầu hết các môn học; phát huy các lợi thế của cách mạng 4.0 mang lại
3.5.Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý lịch sử học tập, rèn luyện của sinh viên Khoa CNTT, từ lúc bắt đầu tới kết thúc quá trình học, tạo ra hồ sơ số hoá quá trình học tập, qua đó nâng cao sự phấn đấu của sinh viên
3.6.Mở thêm các mã ngành đào tạo Công nghệ đa phương tiện, An toàn bảo mật hệ thống thông tin, Khoa học về dữ liệu đáp ứng các ngành mới xuất hiện cũng như sự an toàn của không gian CNTT trong cuộc cách mạng 4.0.
3.7.Phát triển các hướng nghiên cứu công nghệ phục vụ chuyển đổi số của nhà trường và xã hội.
3.8.Xây dựng các nhiệm vụ đồ án môn học, thực tập chuyên môn, đồ án tốt nghiệp liên quan đến chuyển đổi số, an toàn thông tin.
3.9.Thành lập các nhóm nghiên cứu sâu về Thực tại ảo, GISvà BIM, bám sát và đưa ra các sản phẩm cụ thể, từng bước phục vụ các nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành xây dựng.
Tài liệu tham khảo.
- https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7123
- http://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1303/63800/ke-hoach-chuyen-doi-so-nganh-xay-dung-giai-doan-2020-2025--dinh-huong-den-nam-2030.aspx
- Chiến lược phát triển Khoa CNTT, Đại học Kiến trúc Hà nội giai đoạn 2020-2025.
Hà nội, 12/2020.